Dù lớn lên cùng kỷ nguyên nhạc số, nhiều người trẻ thuộc thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) lại đang đón nhận đĩa CD như một phần không thể thiếu trong hành trình thưởng thức âm nhạc. Đối với họ, CD không chỉ là một phương tiện nghe nhạc mà còn là cách lưu giữ kỷ niệm, thể hiện phong cách cá nhân và tạo nên trải nghiệm độc đáo mà các nền tảng nhạc số khó có thể thay thế.
Đĩa CD và giá trị tinh thần trong mắt Gen Z
Với Gen Z, mỗi album đĩa CD đều có một ý nghĩa tinh thần riêng. Hoàng Nhân, sinh năm 1999, xem đĩa CD như một biểu tượng của sự sưu tầm và đam mê. "Mình mua CD chủ yếu để sưu tầm, hơn là để nghe thường xuyên", Nhân chia sẻ rằng đôi khi sẽ có một thời điểm cụ thể anh dành cho âm nhạc, chọn ngẫu nhiên một album để tận hưởng âm thanh từ đầu đọc đĩa, cảm giác ấy đặc biệt hơn rất nhiều so với việc nghe nhạc trực tuyến. Nhân nhấn mạnh rằng cảm giác chất lượng âm thanh cao hơn và sự độc đáo trong từng album giúp CD trở thành phương tiện âm nhạc giàu giá trị tinh thần và nghệ thuật.
Bạn Bích Trâm, sinh năm 2001, chia sẻ mỗi album không chỉ mang lại cảm giác vui vẻ mà còn có thể giúp người nghe cảm nhận được thông điệp tích cực, thậm chí là nguồn động viên tinh thần. "Mỗi album đều có ý nghĩa riêng, có những album truyền tải sự tích cực giúp mình cải thiện tâm trạng khi nghe", cô cho biết. Đối với Trâm, CD không chỉ là âm nhạc mà còn là một cách lưu giữ kỷ niệm, giúp cô có thể "trưng bày" tình yêu âm nhạc của mình thông qua những chiếc CD được thiết kế đẹp mắt.
Hòa An, sinh năm 1997, cũng có cách tiếp cận tương tự khi anh cho rằng việc sưu tầm đĩa CD của thần tượng không chỉ thể hiện niềm yêu thích mà còn là cách lưu giữ kỷ niệm của một thời kỳ âm nhạc. "Mua đĩa của idol có thể xem là một món hàng giới hạn, không chỉ để thể hiện sở thích mà còn để lưu giữ ký ức về một thời kỳ âm nhạc cụ thể", An chia sẻ. Điều này cho thấy đối với nhiều người trẻ thuộc thế hệ Gen Z, sưu tầm đĩa CD không chỉ là sở thích mà còn là một phần của phong cách sống, phản ánh cả tình yêu âm nhạc và gu thẩm mỹ cá nhân.
Trải nghiệm toàn diện từ âm thanh đến vật phẩm đi kèm
Trải nghiệm âm nhạc đối với Gen Z không chỉ dừng ở việc nghe nhạc mà còn bao gồm cả sự thích thú với những vật phẩm đi kèm mỗi album. Hoàng Nhân chia sẻ anh đã mua trên bốn album CD, đa phần từ các nghệ sĩ Hàn Quốc. Mỗi album đều được đầu tư kèm theo các vật phẩm sưu tầm như photobook, postcard độc quyền, tạo nên sự khác biệt và cảm giác hài lòng cho người sưu tầm. "Giá trị của album ngoài âm nhạc còn là những vật phẩm đi kèm độc nhất. Những món đồ này không chỉ giúp bộ sưu tập thêm phong phú mà còn là cách để mình lưu giữ kỷ niệm với thần tượng", Nhân chia sẻ.
Chia sẻ với Thanh Niên, Đan Chi - sinh năm 2001, cho rằng sẽ cân nhắc kỹ càng trước khi mua album CD của thần tượng: "Mình sẽ nghe thử bài hát trước rồi mới quyết định mua đĩa. Việc chi tiêu cho thần tượng cần có lý do, không chỉ là cảm xúc nhất thời". Góc nhìn này cho thấy Gen Z tiếp cận việc sưu tầm CD một cách thực tế và chọn lọc, vừa để thỏa mãn niềm đam mê vừa duy trì sự cân đối trong chi tiêu.
Tương lai của đĩa CD trong văn hóa âm nhạc Gen Z
Sự xuất hiện của những cửa hàng chuyên về đĩa CD cũng đồng nghĩa với việc người sưu tầm có thêm sự lựa chọn chất lượng, giúp họ yên tâm hơn về tính xác thực của sản phẩm. Những nơi này thường tạo nên không gian trải nghiệm cho khách hàng, cho phép họ tận hưởng nhạc từ đĩa trước khi quyết định mua, đồng thời giới thiệu các album phiên bản giới hạn hoặc các đĩa CD cũ khó tìm. Các cửa hàng này không chỉ là nơi giao dịch mà còn là điểm gặp gỡ của những người yêu thích sưu tầm, giúp Gen Z có thêm một cộng đồng để chia sẻ đam mê. Điểm qua một số nơi quen thuộc với giới chơi nhạc, có thể kể đến Hãng Đĩa Thời Đại (TP.HCM) và LP Club (Hà Nội).
Dù được tiếp cận với các nền tảng kỹ thuật số phong phú, thế hệ Gen Z hiện tại vẫn dành tình cảm đặc biệt cho đĩa CD như một biểu tượng của phong cách sống và cá tính. Trong khi nhạc số mang lại tiện ích và kho lưu trữ không giới hạn, đĩa CD lại có sức hấp dẫn nhờ vào tính hữu hình, giá trị lưu giữ lâu dài và đặc biệt là trải nghiệm toàn diện.
Với Gen Z, đĩa CD không chỉ là phương tiện truyền tải âm nhạc mà còn là cách để thể hiện bản sắc, hòa hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Sự trở lại này hy vọng không chỉ là một xu hướng nhất thời mà sẽ là biểu tượng của sự phục hưng văn hóa trong kỷ nguyên nhạc số.
0 nhận xét:
Post a Comment