Tìm vé bay bay Tết Ất Tỵ 2025 từ TP.HCM về Hà Nội, Thu Thảo, 28 tuổi, nhân viên văn phòng, mừng như trúng số khi thấy trang chủ của trang web thông báo giá vé khứ hồi chỉ hơn 2 triệu đồng. Cô lập tức nhấn nút đặt vé, tiến hành thanh toán theo yêu cầu. Hệ thống gửi về cho cô một mã đặt chỗ, yêu cầu phải chuyển khoản ngay để giữ chỗ.
Vì thấy giao diện website giống trang chủ của Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) nên cô không nghi ngờ. Tuy nhiên chờ mãi không thấy email xuất vé gửi về như mọi khi, Thảo liên hệ đường dây nóng của tổng đài Vietnam Airlines mới biết mình đã bị lừa. Cô tìm lại số điện thoại của người nhận là đại lý, hướng dẫn thanh toán trước đó nhưng đã bị chặn số, mất liên lạc.
Sau khi kiểm tra kỹ cô mới phát hiện website "săn vé giá rẻ" chỉ khác trang web thật của Vietnam Airlines một chữ "s". Còn lại toàn bộ giao diện, màu sắc, bố cục của trang web gần như tương đồng, người nhìn lướt qua không thể phát hiện.
Trước tình trạng ngày càng nhiều người bị lừa mua "vé máy bay tết giá rẻ", Vietnam Airlines đã phát đi cảnh báo về chiêu trò, thủ đoạn tinh vi của kẻ gian.
Muôn trò lừa mua vé máy bay tết giá rẻ
Theo Hàng không Quốc gia Việt Nam, thời gian gần đây, công ty và cơ quan chức năng ghi nhận một số trường hợp các website, tổ chức, cá nhân tự xưng là đại lý của hãng. Cụ thể, một số trang web có tên miền giống, dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng như: vietnamairslines.com; vietnamaairlines.com; vietnamairlinesvn.com.
Các website này có tên địa chỉ gần giống, khó phân biệt so với website chính hãng https://ift.tt/FoP1OW4. Chúng chỉ khác một số chữ cái, khách tinh ý mới nhận ra. Kẻ gian cũng thiết kế giao diện, màu sắc, logo tương tự website chính thức của Vietnam Airlines để đánh lừa người dùng.
Sau khi thu hút người mua bằng các chương trình giảm giá, ưu đãi sốc, kẻ gian sẽ hướng dẫn con mồi làm các thủ tục mua vé. Chúng thậm chí gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu phải thanh toán tiền gấp nếu không sẽ bị hủy. Sau khi nhận được tiền, đối tượng không xuất vé và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay nên sẽ tự hủy sau một thời gian. Nhiều khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay làm thủ tục.
Một số website giả chạy các chương trình ưu đãi hấp dẫn, nhưng khi nhấn vào mua, hệ thống thông báo vé đã hết, người dùng cần để lại thông tin, số điện thoại, email để được nhận thông báo khi có chương trình giảm giá mới.
Sau đó, đối tượng tiếp tục gửi email, tin nhắn thông báo khách hàng "trúng thưởng" hoặc nhận ưu đãi vé máy bay kèm đường link, yêu cầu thanh toán hoặc nhập thông tin tài khoản để chiếm đoạt tài sản.
Không dừng lại ở đó, nhiều đối tượng lừa đảo sau khi nhận được tiền của khách vẫn tiến hành xuất vé nhưng sau đó lại hoàn vé và chiếm phần lớn tiền vé người mua đã chi trả. Tinh vi hơn, khi khách nhận vé, gọi điện lên hãng để kiểm tra thì được báo đã xuất vé đúng hành trình. Tuy nhiên sau đó ít ngày, người đặt vé này sẽ gửi yêu cầu tới hãng hàng không để xin hoàn vé. Như vậy, với mỗi vé bay, kẻ lừa đảo có thể bán đi bán lại cho nhiều người khác nhau và người mua sẽ chịu thiệt hại, ảnh hưởng đến lịch trình kế hoạch đi lại.
Chiêu cũ nhưng nhiều người vẫn bị lừa
Tình trạng lừa đảo vé máy bay đã diễn ra nhiều năm, dù cơ quan chức năng vào cuộc nhưng vẫn chưa thể xóa triệt để hiện tượng này. Đại diện Vietnam Airline cho biết để giải quyết dứt điểm tình trạng này, thời gian qua công ty đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng xử lý các website có dấu hiệu vi phạm về sử dụng logo, nhãn hiệu, hình ảnh, thiết kế giao diện website, tên miền gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại của Vietnam Airlines.
Trong lúc đó, người dân nên mua vé trên ứng dụng di động, phòng và đại lý chính thức của hãng. Khi mua vé trên website, người dùng cần lưu ý truy cập đúng địa chỉ chính thức của hãng hàng không hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài để được hỗ trợ.
Nếu được chào mời về những ưu đãi, giá rẻ bất ngờ, người dùng nên kiểm tra thận trọng. Đặc biệt, khi mua vé, khách hàng cũng nên yêu cầu nơi bán cung cấp hóa đơn theo đúng quy định để bảo vệ quyền lợi.
0 nhận xét:
Post a Comment